
26/10/2023
10 Lượt xem
Các cơ trong cơ thể người tập hợp thành hệ thống cơ bắp và là thành phần không thể thiếu của hệ vận động. Cơ bắp góp phần tạo nên hình dáng của cơ thể. Cơ thể có bao nhiêu loại cơ và các bệnh lý hay gặp của cơ là gì?
1. Các loại cơ trong cơ thể
Hệ thống cơ bắp của con người có 3 loại cơ đó là: (1) Cơ vân (cơ xương); (2) Cơ trơn (cơ nội tạng) và (3) Cơ tim. Tất cả các cơ đều được cấu tạo bằng một loại mô đàn hồi. Mỗi cơ bao gồm hàng vạn sợi cơ nhỏ. Mỗi sợi cơ dài khoảng 40mm. Mỗi một sợi cơ được chỉ huy bởi một dây thần kinh, làm cho nó co lại. Sức mạnh của cơ bắp phụ thuộc chủ yếu vào số lượng sợi cơ. Để cung cấp năng lượng cho cơ, cơ thể chuyển hóa thức ăn tạo ra Adenosine triphosphate (ATP), các tế bào cơ biến ATP thành năng lượng cơ học.
1.1. Cơ vân
Cơ vân giúp di chuyển các bộ phận bên ngoài của cơ thể và các chi. Cơ vân bao phủ xương và tạo nên hình dáng cho cơ thể. Với mỗi một cơ vân trong cơ thể con người sẽ có một cơ giống hệt ở bên đối diện. Có khoảng 320 cặp cơ đối lập giống hệt nhau. Khi một cơ co lại, cơ kia sẽ giãn rộng và điều này cho phép xương di chuyển. Các cơ được gắn vào các gân, các gân được gắn hoặc kết nối trực tiếp với xương. Các gân giữ vai trò truyền lực giữa cơ và xương, điều chỉnh thụ động các lực trong quá trình chuyển động của khớp, điều này giúp giữ cho các khớp ổn định.
Cơ vân là loại cơ duy nhất có thể được kiểm soát một cách có ý thức. Hầu hết các chuyển động của người xảy ra khi cơ vân co lại. Bao gồm di chuyển mắt, đầu, cánh tay, ngón tay, chạy, đi bộ và nói chuyện, biểu cảm trên khuôn mặt như cười, cau mày, miệng và chuyển động lưỡi đều được kiểm soát bởi các cơ vân. Cơ vân liên tục thực hiện các điều chỉnh nhỏ để duy trì tư thế, giúp giữ thẳng một người hoặc giữa đầu ở một vị trí. Các xương cần được giữ đúng vị trí để khớp xương không bị trật khớp. Các cơ vân và gân giúp thực hiện điều này.
Cơ vân cũng tạo ra khoảng 85% nhiệt lượng cơ thể từ sự co cơ. Cơ vân được chia thành hai loại chính đó là: cơ đỏ (cơ giật chậm) và cơ bắp (cơ giật nhanh).
1.2. Cơ trơn
Cơ trơn chịu trách nhiệm cho các chuyển động của dạ dày, ruột, động mạch và các cơ quan rỗng (bàng quang, phế quản). Các cơ này được kích hoạt một cách tự động. Chúng ta không biết rằng chúng đang hoạt động hay nghỉ ngơi. Không giống như cơ vân, chúng hoạt động không phụ thuộc vào suy nghĩ và ý thức của người.
Các cơ trơn trong thành của ruột co lại giúp đẩy thức ăn về phía trước. Trong khi sinh con, các cơ trơn trong tử cung của phụ nữ co lại để đẩy thai nhi ra ngoài. Đồng tử của chúng ta co lại hay giãn ra, tùy thuộc vào lượng ánh sáng chiếu vào đồng tử. Những chuyển động này phụ thuộc vào chuyển động của cơ trơn.
1.3. Cơ tim
Cơ tim là loại cơ riêng chỉ có ở trái tim người. Cơ tim chịu trách nhiệm co bóp tạo ra nhịp tim. Các cơ tim hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Chúng hoạt động tự động, tạo ra các xung điện dẫn đến việc co bóp của tim. Những kích thích từ bên ngoài và kích thích từ hệ thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến các xung này. Như khi sợ hãi, nhịp tim sẽ tăng lên. Cơ tim co lại để trái tim có thể bơm máu nuôi cơ thể, cơ tim giãn ra để đưa máu đầy trở lại tim.
2. Chức năng của Cơ
Mỗi loại cơ bắp trong cơ thể đều có các chức năng khác nhau, bao gồm:
2.1. Vận động
Cơ xương chịu trách nhiệm cho các chuyển động của người. Cơ xương gắn vào xương và một phần được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh trung ương. Cơ thể sử dụng cơ xương bất cứ khi nào di chuyển. Cơ xương co giật nhanh tạo ra những vận động ngắn và mạnh. Cơ xương co giật chậm hoạt động tốt hơn cho các động tác dài hơn. Khi cơ co lại sẽ tạo ra chuyển động thô (chuyển động lớn) như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc các chuyển động tinh tế (chuyển động nhỏ) như: viết, nói, biểu cảm nét mặt. Hầu hết các chuyển động cơ bắp của cơ thể dưới sự kiểm soát có ý thức. Tuy nhiên, một số chuyển động là phản xạ, chẳng hạn như rút tay khỏi nguồn nhiệt.
2.2. Ổn định cơ thể
Gân cơ kéo dài trên khớp góp phần ổn định khớp. Gân cơ ở khớp gối và khớp vai là rất quan trọng trong việc ổn định. Các cơ vân cốt lõi của cơ thể bao gồm cơ bụng, cơ lưng và cơ xương chậu. Nhóm cơ này giúp bảo vệ cột sống của chúng ta và giúp ổn định, nó giống như là phần thân của một cái cây. Nhóm cơ cốt lõi càng mạnh, chúng ta càng có thể ổn định cơ thể.
2.3. Tư thế
Cơ vân giúp giữ cho cơ thể chúng ta kiểm soát tư thế như đứng hoặc ngồi. Linh hoạt và sức mạnh là chìa khóa để duy trì tư thế thích hợp. Cơ bắp cứng hoặc yếu có thể làm mất sự kiểm soát, dẫn đến tư thế cơ thể bị xấu và sai lệch. Tư thế xấu có thể ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể, dẫn đến đau khớp và khiến cho hệ thống cơ bắp yếu dần. Những phần hay bị ảnh hưởng đó là: vai, xương sống, hông, đầu gối.
2.4. Lưu thông tuần hoàn
Trái tim giống như một máy bơm, bơm máu đi khắp cơ thể. Chuyển động của trái tim không theo sự kiểm soát có ý thức của người, mà nó hoạt động một cách tự động, được kích thích bởi tín hiệu điện sinh học. Cơ trơn trong động mạch và tĩnh mạch cũng tham gia vào việc lưu thông máu trong cơ thể. Các cơ này duy trì huyết áp và lưu thông trong trường hợp mất máu hoặc mất nước. Các cơ này giãn rộng để tăng lưu lượng máu trong thời gian tập luyện cường độ cao, khi cơ thể cần nhiều oxy hơn. Chu trình bơm máu của tim được ví như “một nhà máy điện” cung cấp 5-6 lít máu mỗi phút để duy trì sự sống cho con người. Khi vận động, lượng máu được bơm mỗi phút khoảng 20 lít, ở các vận động viên, lượng máu bơm mỗi phút có thể lên đến 30-40 lít.
2.5. Hô hấp
Hơi thở của chúng ta liên quan đến sự chuyển động của cơ hoành. Cơ hoành là một cơ hình vòm nằm ngay dưới phổi. Khi cơ hoành co lại, nó đẩy không khí xuống dưới, làm cho khoang ngực giãn rộng. Sau đó phổi lấp đầy không khí. Khi cơ hoành giãn ra, nó sẽ giúp đẩy không khí ra khỏi phổi. Khi chúng ta cần thở sâu hơn, sẽ cần tới sự giúp đỡ của các cơ bắp khác, gọi là cơ hô hấp phụ, gồm có: cơ bụng, cơ lưng, cơ cổ.
2.6 Tiêu hóa
Đường tiêu hóa kéo dài từ miệng cho đến hậu môn và được kiểm soát bởi các cơ trơn trong đó. Thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa với những chuyển động giống như sóng gọi là nhu động. Cơ trơn trong đường tiêu hóa co lại và giãn ra để tạo ra những chuyển động này, đẩy thức ăn qua thực quản vào dạ dày. Các cơ ở dạ dày giãn ra cho phép thức ăn đi vào, trong khi các cơ dưới giúp trộn thức ăn với dịch tiêu hóa. Thức ăn được tiêu hóa di chuyển từ dạ dày đến ruột non bằng nhu động. Sau đó các cơ trơn ở đại tràng sẽ co lại để phần bã của thức ăn (phân) ra khỏi cơ thể.
2.7. Tầm nhìn
Sáu cơ vân xung quanh mắt điều khiển chuyển động của mặt. Các cơ bên trong mắt được tạo thành từ các cơ trơn. Những cơ này hoạt động nhanh chóng và chính xác, cho phép mắt: duy trì hình ảnh ổn định, quan sát khu vực xung quanh, theo dõi các đối tượng chuyển động. Nếu các cơ này bị tổn thương có thể làm giảm thị lực của chúng ta.
2.8. Đi tiểu
Hệ thống tiết niệu gồm cả cơ trơn và cơ vân, bao gồm cả bên trong và bên ngoài: bàng quang, thận, dương vật hoặc âm đạo, niệu quản, niệu đạo. Các cơ và dây thần kinh phải phối hợp với nhau để giữ và giải phóng nước tiểu từ bàng quang.
2.9. Sinh con
Các cơ trơn trong tử cung sẽ phát triển và căng ra trong quá trình mang thai. Khi chuyển dạ, các cơ này sẽ co lại và giãn ra, những động tác này sẽ đẩy em bé qua âm đạo ra ngoài. Ngoài ra, các cơ vùng sàn chậu giúp hướng đầu em bé xuống âm đạo.
2.10. Bảo vệ nội tạng
Cơ bắp bảo vệ các cơ quan nội tạng ở phía trước, hai bên và phía sau cơ thể. Xương cột sống và xương sườn cũng giúp cho việc bảo vệ nội tạng tốt hơn. Hệ thống cơ bắp cũng bảo vệ xương và các cơ quan bằng cách hấp thụ lực và giảm ma sát ở khớp.
2.11. Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể
Duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường là một chức năng quan trọng của hệ thống cơ bắp. Khoảng 85% nhiệt lượng mà một người tạo ra trong cơ thể là từ hoạt động co giãn của cơ bắp. Khi nhiệt độ cơ thể xuống dưới mức tối ưu, các cơ vân sẽ tăng hoạt động để sinh ra nhiệt. Rùng mình là một ví dụ của cơ chế này. Cơ bắp trong các mạch máu cũng co lại để duy trì thân nhiệt. Nhiệt độ cơ thể có thể được đưa trở lại bình thường thông qua việc giãn nở cơ trơn trong các mạch máu.
3. Các bệnh cơ thường gặp
Có rất nhiều vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ bắp như:
– Chuột rút cơ bắp, thường xảy ra khi mất nước, cơ bắp căng cứng, hàm lượng magie và kali thấp, rối loạn thần kinh, rối loạn chuyển hóa hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.
– Yếu cơ, xảy ra do một số vấn đề ở hệ thống thần kinh dẫn đến các thông tin từ não không thể truyền đến cơ hiệu quả. Một số bệnh lý thần kinh vận động có thể gây yếu cơ chẳng hạn như bệnh nhược cơ hoặc bệnh đa xơ cứng.
– Bất thường cơ bẩm sinh, là tình trạng một người sinh ra với một nhóm cơ không phát triển đúng cách.
– Căng cơ là tình trạng các cơ bắp bị kéo giãn quá mức, vượt quá ngưỡng chịu đựng. Một số trường hợp nặng có thể dẫn tới rách cơ. Tình trạng này khiến các cơ liên quan căng cứng, không có khả năng thư giãn. Người bệnh sẽ bị đau buốt, cử động khó khăn. Bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể cũng có thể bị căng cơ, phổ biến là ở cơ chân hoặc tay, thắt lưng, cổ và vai. Thông thường, người bệnh sẽ bị căng cứng cơ bắp sau các hoạt động thể chất, tập luyện thể thao hay khi mang vác vật nặng sai tư thế. Những vùng cơ bị căng sẽ sưng lên, xuất hiện các vết bầm tím đi kèm, gây đau nhức cho người bệnh.
– Đau cơ còn hiểu đơn giản là đau nhức trong cơ. Bệnh liên quan đến một vùng nhỏ hay toàn bộ cơ thể với mức độ từ nhẹ đến nặng. Hầu hết những cơn đau thường hết sau một thời gian ngắn, một số trường hợp bệnh có thể tồn tại lâu hơn. Đau cơ có thể gặp ở bất cứ đâu trong cơ thể, gồm đau cơ bắp chân, đau cơ bắp tay, đau bắp chân, đau cơ đùi, cổ, lưng, thậm chí tay.
Để có một cơ thể khoẻ mạnh và cường tráng thì không thể không nhắc đến vai trò của hệ thống cơ bắp. Muốn vậy cần con người cần có các hoạt động thể chất thường xuyên, ăn uống khoa học và hợp lý.