Danh mục

Giỏ hàng 0
public/uploads/banner/banner-thang-3-2024/1125-x-240-px-01.jpg

Hiểu biết cơ bản về Hệ tuần hoàn

  • 26/10/2023

  • 57 Lượt xem

Tiếng đập của tim là tín hiệu khởi đầu của sự sống và khi tim ngừng đập (ngừng tuần hoàn) thì cũng là lúc kết thúc sự sống. Hệ tuần hoàn có vai trò gì với cơ thể? bài viết sẽ trả lời câu hỏi này.

1. Đại cương về Hệ tuần hoàn

Hệ tuần hoàn có chức năng duy trì sự sống của cơ thể. Để bảo đảm chức năng hệ tuần hoàn được duy trì ổn định, cần có 3 yếu tố bao gồm: thể tích tuần hoàn (máu), tim và mạch máu. Chỉ một sự thay đổi trong các yếu tố trên có thể ảnh hưởng tới chức năng hệ tuần hoàn nói riêng và toàn cơ thể nói chung. Hệ tuần hoàn vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy, CO2, hormone, tế bào máu ra và vào các cơ quan, tế bào trong cơ thể để nuôi dưỡng và giúp cơ thể chống lại bệnh, tật. Ngoài ra, hệ tuần hoàn còn giúp ổn định nhiệt độ cơ thể và độ pH,  để duy trì cân bằng nội môi. Bên cạnh đó, hệ tuần hoàn tiếp nhận sản phẩm phân huỷ (chất thải, CO2, …) do tế bào thải ra rồi theo máu đến các cơ quan bài tiết để thải ra ngoài.

2. Giải phẫu Hệ tuần hoàn

2.1. Tim (trái tim)

Tim nằm trong lồng ngực giữa hai lá phổi. Về hình thể bên ngoài: tim nặng khoảng 280-300g, màu đỏ nâu, mật độ chắc, có 3 mặt, 3 đỉnh. Về hình thể bên trong: tim được chia làm hai nửa gồm tim phải và tim trái; mỗi nửa tim chia làm 2 buồng tim là tâm nhĩ và tâm thất. Tâm nhĩ và tâm thất thông nhau bởi các van tim (van nhĩ thất). Bên trái là van hai lá, bên phải là van ba lá. Hai tâm nhĩ được ngăn cách bởi vách liên nhĩ. Hai tâm thất được ngăn bởi vách liên thất. Tâm thất phải thông với động mạch phổi, tâm thất trái thông với động mạch các cơ quan, hay động mạch chủ với van tổ chim. Tâm nhĩ phải thông với tĩnh mạch chủ, tâm nhĩ trái thông với tĩnh mạch phổi. Thành tim được cấu tạo gồm có 3 lớp: (1) Màng ngoài tim; (2) Lớp cơ tim ở giữa và (3) Màng trong tim.

Mạch máu của tim: tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch vành xuất phát từ quai động mạch chủ. Có 2 động mạch vành đó là động mạch vành phải và động vành trái chia nhiều nhánh: tỏa đi nuôi toàn bộ cơ tim.

Hình ảnh tim và mạch máu của tim

2.2. Các mạch máu

Trong cơ thể có 3 loại mạch máu:

  • Động mạch: là mạch máu dẫn từ tâm thất đến các tổ chức, cơ quan. Có hai động mạch. Hệ động mạch chủ mang máu chứa nhiều Oxy và hệ động mạch phổi mang máu chứa nhiều CO2.
  • Tĩnh mạch: là những mạch máu dẫn máu từ các cơ quan đó về tâm nhĩ. Có hai hệ tĩnh mạch: hệ tĩnh mạch chủ mang máu màu đỏ thẫm, hệ tĩnh mạch phổi mang máu màu đỏ tươi.
  • Mao mạch: là những mạch máu rất nhỏ nằm trong các tổ chức và cơ quan nối liền động mạch và tĩnh mạch.

Trong hệ tuần hoàn, mạch máu sẽ là những ống rỗng đem máu đi khắp cơ thể trong dòng chảy không bao giờ chấm dứt. Nếu nối tất cả các động mạch, mao mạch và tĩnh mạch của một người lớn, nó có thể kéo dài lên tới khoảng 100.000 km, quấn được 2,5 vòng trái đất (chu vi trái đất là 40.000 km).

Cấu trúc của Hệ tuần hoàn
 

3. Chức năng Hệ tuần hoàn

Hệ tuần hoàn có các chức năng chính bao gồm:

  • Vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy đến tế bào;
  • Vận chuyển các chất là sản phẩm bài tiết ra khỏi tế bào;
  • Vận chuyển hormon tới cơ quan đích;
  • Điều hòa thân nhiệt cho cơ thể;
  • Ổn định độ pH và duy trì cân bằng nội mô.

4. Hoạt động của Hệ tuần hoàn

4.1. Các vòng tuần hoàn:

– Vòng tuần hoàn phổi (vòng tuần hoàn nhỏ): Máu sau khi mang oxy đến các tổ chức (bị khử oxy), nhận CO2 từ tổ chức đưa về tâm nhĩ phải, từ đây máu được chuyển sang tâm thất phải và được bơm vào động mạch phổi để đi lên phổi. Ở phổi, máu giải phóng CO2 và nhận oxy rồi quay trở lại tim qua tĩnh mạch phổi.

– Vòng tuần hoàn hệ thống (vòng tuần hoàn lớn): Máu từ vòng tuần hoàn phổi qua tĩnh mạch phổi là máu giàu oxy vào tâm nhĩ trái, rồi từ nhĩ trái xuống tâm thất trái. Máu được tim co bóp đẩy từ tâm thất trái vào động mạch chủ để phân phối đi khắp cơ thể. Sau khi trao đổi chất với các tế bào tại các mô trong cơ thể, máu trở lại tâm nhĩ phải qua tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới kết thúc vòng đại tuần hoàn.

4.2. Các yếu tố bảo đảm cho chức năng tuần hoàn

Để bảo đảm cho hệ tuần hoàn hoạt động thông suốt, cần có 3 yếu tố gồm: tim, hệ mạch và thể tích tuần hoàn.

a. Thể tích tuần hoàn

Thể tích tuần hoàn còn gọi là máu, dùng để vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các tế bào, mang chất thải từ tế bào trở về và thoát ra ngoài bằng các cơ quan bài tiết như đường hô hấp, thận. Khi có một nguyên nhân nào đó dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn sẽ gây ra tình trạng sốc giảm khối lượng tuần hoàn. Sốc giảm tuần hoàn là một tình trạng đe dọa tính mạng do suy tuần hoàn, khiến cho việc cung cấp oxy không đủ để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của tế bào gây ra tình trạng thiếu oxy tế bào và mô. Thể tích tuần hoàn có thể giảm khi bị mất nước, mất máu, tiêu chảy, sốt… Nếu tình trạng mất dịch trong cơ thể diễn ra nhanh hoặc kéo dài thì sẽ dẫn tới sốc, cần được bù dịch khi mất bằng đường uống hoặc truyền để đảm bảo chức năng tuần hoàn.

b. Tim

Tim có chức năng là co bóp để tạo áp lực đẩy máu vào trong động mạch, từ đó đi nuôi dưỡng cơ thể. Tim hoạt động theo cơ chế tự động, điều hòa nhờ hệ thống thần kinh thực vật và được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vành.

c. Hệ mạch

 Hệ mạch máu có chức năng vận chuyển máu tới cơ quan và từ cơ quan về tim. Hệ mạch gồm có động mạch, tiểu động mạch, mao mạch, tĩnh mạch và tiểu tĩnh mạch.

Như vậy để đảm bảo được chức năng tuần hoàn thì cần 3 yếu tố quan trọng là tim, hệ mạch và thể tích tuần hoàn. Một sự thay đổi bất thường ở một trong 3 yếu tố đều gây ra sự suy giảm chức năng của hệ tuần hoàn, có thể nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

5.  Cách tăng hoàn máu cho cơ thể

Máu không được lưu thông tốt đến các cơ quan trong cơ thể gây nên các triệu chứng làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Do đó, chúng ta có thể tăng tuần hoàn máu bằng cách tập thể dục hàng ngày một cách thường xuyên. Các bài luyện tập với cường độ nhẹ nhàng cũng khiến nhịp tim tăng lên. Bên cạnh đó, việc hít thở giúp tăng cường oxy vận chuyển trong máu. Người cao tuổi nên tập thở trong khoảng thời gian từ 5h-6h30 sáng. Hít thở bằng mũi, thở sâu lôi kéo vùng bụng tham gia để đẩy oxy xuống dưới phổi, giúp tăng cường tuần hoàn máu vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống khoa học với các chất dinh dưỡng cần thiết mà đặc biệt là nhiều rau quả cũng rất tốt cho hệ tuần hoàn. Chúng ta nên thường xuyên bổ sung một số loại rau củ tốt cho mạch máu là quả mọng và rau có màu xanh đậm.

6. Bốn cách để giữ cho hệ tuần hoàn khỏe mạnh

6.1. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục 30 phút hoặc nhiều hơn trong hầu hết các ngày trong tuần sẽ giúp cải thiện sức khỏe của tim và hệ tuần hoàn. Hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát cân nặng của bạn và giảm nguy cơ phát triển các rối loạn như huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao.

6.2. Bỏ hút thuốc

Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Thương tổn ở hệ tuần hoàn và tim do ảnh hưởng của các hợp chất hóa học trong thuốc lá có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim.  Khi  bỏ hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh tim cũng giảm đáng kể.

6.3. Ăn uống khoa học, hợp lý

Ăn uống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe. Chế độ ăn uống với trái cây, rau quả, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa ít chất béo có lợi nhất với hệ thống tuần hoàn. Tránh các loại thực phẩm chế biến, thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và chất béo dạng chuyển hóa, đồ uống có cồn… cũng là cách để góp phần cải thiện sức khỏe hệ thống tuần hoàn.

Chế độ ăn uống với trái cây, rau quả, ngũ cốc và

các sản phẩm sữa ít chất béo tốt cho sức khỏe

6.4. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý

Kiểm soát trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý đóng một vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe. Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao. Tất cả các yếu tố này đều dẫn tới rủi ro phát triển nhồi máu cơ tim và các vấn đề về tuần hoàn khác. Chỉ cần giảm 10% trọng lượng cơ thể là đã có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý mạn tính nêu trên.

Bài viết liên quan

Giỏ hàng ( 0 )
Bác sĩ của bạn
phone mess