Danh mục

Giỏ hàng 0
public/uploads/banner/banner-thang-3-2024/1125-x-240-px-01.jpg

VIÊM TỤY CẤP – MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT

  • 26/10/2023

  • 148 Lượt xem

Viêm tụy cấp (VTC) là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy, có thể bao gồm cả tổn thương của các cơ quan xung quanh ở nhiều mức độ khác nhau.

1. Vị trí và chức năng của Tụy

1.1. Vị trí

Tụy là một tuyến nội tiết của hệ tiêu hoá. Tuỵ nằm trong phúc mạc phía trên cột sống ngang mức L1- L2, giữa tá tràng và lách, sau dạ dày, phía trước các mạch máu lớn. Tụy gồm 3 phần: đầu; eo; thân và đuôi tụy. Tụy dài 16-20cm, cao 4- 5cm, dày 2-3cm.

1.2. Chức năng

Tụy có chức năng nội tiết (tiết insulin để kiểm soát đường huyết) và chức năng ngoại tiết (tiết các men để tiêu hóa gần như tất cả các thành phần thức ăn).

a. Tụy nội tiết

– Nhu mô của tụy nội tiết là các nhóm nhỏ tế bào gọi là tiểu đảo tụy hay tiểu đảo Langerhans gồm từ 1-2 triệu đảo, là những tế bào tụ thành từng đám, chiếm 1g tổ chức tụy, thường ở gần mạch máu và đổ vào tĩnh mạch cửa.

– Các tiểu đảo này là phần tuyến nội tiết của tụy có chức năng tiết các hormone quan trọng là insulin có tác dụng làm giảm đường huyết; glucagon có tác dụng làm tăng đường huyết và tăng cường phân giải glycogen thành glucose; còn các hormone khác như lipocain có tác dụng oxy hóa các chất đặc biệt là axit béo.

– Ba loại tế bào chính của tiểu đảo tụy là tế bào alpha, beta và delta. Trong ba loại này thì tế bào beta chiếm số lượng nhiều nhất và có nhiệm vụ sản xuất insulin. Các tế bào alpha sản xuất glucagon và tế bào delta sản xuất somatostatin có tác dụng làm giảm nồng độ của glucagon và insulin trong máu.

b. Tụy ngoại tiết

– Tụy được bao bọc bởi bao tụy có tác dụng phân chia tụy thành các tiểu thùy. Nhu mô của tụy được cấu tạo bởi các tế bào tụy ngoại tiết chứa đựng rất nhiều các hạt nhỏ chứa enzyme tiêu hóa dưới dạng tiền chất chủ yếu là trypsinogen, chymotrysinogen, lipase tụy và amylase.

– Các men tụy sẽ được tiết vào ống tụy và sau đó đổ vào ruột non ở đoạn D2 của tá tràng khi có kích thích phù hợp. Tại đây các men enterokinase của tá tràng sẽ xúc tác làm trypsinogen biến thành dạng hoạt động là trypsin là một endopeptidase lại cắt các amino acid của chymotrypsinogen thành dạng hoạt động chymotrypsin có nhiệm vụ cắt các polypeptide trong thức ăn thành các đơn vị nhỏ có thể hấp thu được qua niêm mạc ruột. Các men hoạt động có khả năng tiêu hủy protein của chính tuyến tụy nên tụy chỉ tiết các men dưới dạng tiền chất hay dạng không hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng.

– Dịch tụy là nguồn chứa các men tiêu hóa mỡ và protein còn niêm mạc ruột lại có các men tiêu hóa được glucose. Dịch tụy cũng chứa các ion bicarbonate có tính kiềm để trung hòa lượng dịch acid trong thức ăn từ dạ dày đi xuống. Việc kiểm soát chức năng ngoại tiết của tụy được thực hiện thông qua các men như gastrin, cholecystokinin và secretin mà được các tế bào của dạ dày và tá tràng tiết ra dưới kích thích của thức ăn hiện diện trong ống tiêu hóa và bởi chính dịch tụy.

– Các men thường được tiết ra dưới dạng tiền chất nghĩa là chưa có khả năng tiêu hủy protein và mỡ. Tuy nhiên vì một lý do như sự ứ trệ, nhiễm trùng, chấn thương, các men này lại được hoạt hóa ngay trong lòng tụy gây nên sự tự tiêu hủy tụy gọi là viêm tụy cấp, có thể gặp tình trạng viêm tụy cấp do sỏi, do giun chui ống mật tụy.

Ảnh minh họa (trích nguồn Bệnh viện Bạch Mai)

2. Viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy cấp là một trong những nhiễm độc tiêu hóa thường gặp trên lâm sàng, xảy ra sau các bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đạm đặc biệt là sau những lần uống rượu bia. Tổn thương nhu mô tuyến cấp tính trong viêm tuỵ cấp có mức độ từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong. Viêm tụy cấp ngày càng phổ biến với tần suất mắc bệnh vào khoảng 25 – 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10-30% là viêm tuỵ cấp nặng.

3. Nguyên nhân viêm tuỵ cấp

Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây nên viêm tụy cấp:

– Rượu bia: là nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm tụy cấp;

 – Do tăng mỡ máu, rối loạn chuyển hoá như tăng triglycerid máu, tăng canxi máu;

– Do bị sỏi mật gây tắc nghẽn dẫn đến tắc ống dẫn chung hoặc tắc cơ vòng Oddi làm ngưng dòng chảy của ống tụy. Các men tụy bị giữ lại gây phá hủy cấu trúc tuyến tụy;

Ngoài ra viêm tụy cấp cũng có thể xảy ra do chấn thương dập vùng tụy, do rối loạn chuyển hóa, do mắc các bệnh tự miễn, nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus, độc chất hay thuốc (azathioprin, mercaptopurin, tetracyclin, ethylalcol, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ…) loét dạ dày. Có khoảng 10-15% các trường hợp viêm tụy cấp là không tìm thấy nguyên nhân.

4. Diễn biến viêm tuỵ cấp

Viêm tụy cấp là một tiến trình tự hủy mô do chính men tụy gây ra. Theo chức năng sinh lý bình thường, tuyến tụy sẽ tiết ra các men tụy amylase, lipase, trypsin… để góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men này được tiết ra dưới dạng không hoạt động và chúng chỉ được hoạt hóa trở thành có tác dụng ở tá tràng. Nhưng do một nguyên nhân nào đó làm tăng nhạy cảm đáp ứng của tế bào nang tuyến tụy với acid, cholecystokinin, acetylcholine, các men này bị hoạt hóa trong chính lòng ống tụy chuyển thành dạng hoạt động gây phá hủy các mô tụy mà dẫn đến tình trạngviêm tụy cấp và các phản ứng dây chuyền khác.

Lâm sàng viêm tụy cấp biểu hiện qua 3 thể bệnh chính:

– Viêm tụy cấp thể phù nề;

– Viêm tụy cấp thể xuất huyết;

– Viêm tụy cấp thể xuất huyết hoại tử: Trường hợp này có đến 80-90% tử vong.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp

5.1. Triệu chứng lâm sàng:

– Đau bụng: chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên.

– Nôn và buồn nôn: thường xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau (khác viêm dạ dày cấp), thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch có máu loãng.
– Chướng bụng và bí trung đại tiện: nhất là với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp lại đi ngoài lỏng nhiều lần.

– Khi thăm khám, bác sĩ có thể thấy: Bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, gõ đục vùng thấp (dịch tự do ổ bụng), các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật…

– Ngoài ra tùy bệnh cảnh bệnh nhân có thể có: rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt, thiểu niệu hoặc vô niệu…

5.2. Triệu chứng xét nghiệm của viêm tuỵ cấp

– Xét nghiệm: tăng amylase và lypase trong huyết thanh, trên 3 lần so với bình thường.

– Siêu âm: tuỵ to, có thể to toàn bộ hay từng phần; bờ, nhu mô tuỵ không đều; có thể có dịch quanh tuỵ và trong ổ bụng.

– Chụp cắt lớp vi tính: giúp chẩn đoán xác định VTC thông qua hình ảnh, chẩn đoán xác định VTC nặng thông qua hình ảnh các biến chứng.

5.3. Điều trị viêm tụy cấp

a. Điều trị nội khoa: điều trị triệu chứng, giảm đau, giảm tiết, chăm sóc… có thể kết hợp lọc máu liên tục.

b. Điều trị can thiệp: điều trị nguyên nhân như lấy sỏi, lấy giun…

5.4. Dự phòng viêm tụy cấp

– Hạn chế uống rượu, bia.

– Phát hiện và điều trị sỏi mật, sỏi tụy. 

– Người bệnh tăng triglyceride cần điều trị thường xuyên và kiểm soát chế độ ăn hợp lí.

6. Biến chứng viêm tụy cấp

 Viêm tụy cấp nếu không được điều trị sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp đến các biến chứng nặng, có thể dễ dàng ảnh hưởng đến các cơ quan khác, thậm chí là gây tử vong. Đối với các trường hợp nặng, điều trị hồi sức không đáp ứng, bệnh nhân cần được chỉ định làm phẫu thuật ngay để cắt lọc các phần mô bị hoại tử. Dưới đây là những diễn biến nguy hiểm của viêm tụy cấp:

– Sốc: Là một trong những biến chứng sớm xảy ra ở ngay những ngày đầu của bệnh. Sốc có thể do nhiễm khuẩn nặng hay do xuất huyết. Trường hợp sốc do nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng thường xảy ra muộn hơn ở tuần thứ 3 kể từ lúc bắt đầu có dấu hiệu viêm;

– Xuất huyết: Biến chứng xuất huyết có thể xuất hiện ở ngay tại tuyến tụy, trong khoang bụng, trong ống tiêu hóa hoặc các cơ quan khác, dẫn đến tình trạng tổn thương các mạch máu. Biến chứng này xảy ra trong tuần đầu tiên của bệnh. Tất cả những trường hợp có biến chứng xuất huyết đa phần đều có tiên lượng nặng;

– Nhiễm trùng tại tuyến tụy: Xảy ra ở cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành các ổ áp xe ở tuyến tụy gây viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử mô. Trường hợp này tiên lượng nặng;

– Suy hô hấp cấp:Tiên lượng nặng;

– Nang giả tụy: Xuất hiện ở tuần thứ 2 hoặc tuần thứ 3 của bệnh nguyên nhân do quá trình đóng kén để khu trú các tổn thương tại nhu mô tụy. Trong nang giả tụy có chứa các enzym tuyến tụy, các chất dịch và các mảnh vỡ của nhu mô tuyến tụy. Nang này có thể được thu dọn hoặc tự dẫn lưu vào đường tụy rồi biến mất sau 4 đến 6 tuần. Nang nếu để kéo dài có thể tiến triển thành áp xe hoặc gây bội nhiễm.

Viêm tụy cấp là một trong những cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có nhiều biến chứng với tiên lượng nặng bao gồm giảm thể tích tuần hoàn, hoại tử nhu mô tụy, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết hay liệt ruột cơ năng… Bệnh nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng toàn thân ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chức năng khác như trụy tim mạch, suy giảm chức năng thận,… đặc biệt gây chảy máu trong tụy có thể dẫn đến nguy cơ tử vong ngay trong những ngày đầu bị bệnh.

Bài viết liên quan

Giỏ hàng ( 0 )
Bác sĩ của bạn
phone mess